Slider 1
Slider 1
[Gương Nhân Quả]: Hành Nghề Làm Gái Bị Đọa Địa Ngục Như Thế Nào?
[Gương Nhân Quả]: Hành Nghề Làm Gái Bị Đọa Địa Ngục Như Thế Nào?
[Gương Nhân Quả]: Hành Nghề Làm Gái Bị Đọa Địa Ngục Như Thế Nào?

Như một quy luật của cuộc sống, khi kinh tế xã hội phát triển nhanh vượt bậc, thì các giá trị tâm linh lại giảm sút nghiêm trọng. Con người thời đại ngày nay càng ngày càng sa đọa, càng ngày càng tạo ác, chẳng ác nào là không dám làm. Mà theo luật nhân quả, tạo ác thì phải lãnh nghiệp ác, đó là lẽ tất nhiên.

Tịnh xá Liên Hoa (Tân Uyên, Bình Dương) hôm đó lại có khách viếng thăm, đều là những người đang gặp vấn đề tâm linh tới xin thiền sư An Lạc Hạnh cứu giúp. Nhắc đến sư ông, ai ai cũng đều vô cùng kính trọng, bởi sự từ bi và đức hạnh cùng những năng lực đặc biệt, nên tiếng lành đồn xa, nhiều người lặn lội từ khắp mọi nơi đều tới tìm sư ông giải cứu.

Ngồi từ trong nhà khách nhìn ra ngoài sân, cái nắng đã dịu hơn khi về chiều, có hai người phụ nữ tất tả đi vào xin được trình bày về hoàn cảnh của mình. Người phụ nữ trẻ khoác ngoài một chiếc áo chống nắng màu xanh tím than, điểm vài họa tiết màu vàng, khuôn mặt đen đúa khắc khổ có lẽ vì sương gió nhiều, tóc buộc túm đằng sau rất gọn.

Cô nhẹ nhàng khúm núm chọn một chiếc ghế trong dãy ghế gỗ dài, ngay gần với sư ông để tiện bề thưa hỏi. Người phụ nữ còn lại là một ni sư, dáng vẻ nhỏ nhắn, khuôn mặt có vẻ an nhiên, điềm đạm.

Cô Thanh Bình kể lại sự việc

Sau hỏi ra mới biết, bà vốn là mẹ chồng của cô gái trẻ kia, trước gọi là bà Cóc, là Phật tử chùa Hoằng Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, mới xuất gia gần một năm tại thiền viện Thường Chiếu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai. Chính bà là người dẫn dắt cho người con dâu tới tìm sư ông nhờ giúp đỡ.

Thường những người tới đây chẳng mấy ai tươi cười, ai ai cũng đầy vẻ u sầu, ảo não, bế tắc. Cũng đúng thôi, không thế thì thường người ta chẳng tới tìm sư ông làm gì. Chúng sinh thời nay đa số chỉ khi đau khổ quá không chịu nổi mới tìm tới cửa chùa xin giải cứu. Đúng là nước ngập chân rồi mới chịu nhảy đó mà. Thật đáng buồn thay!

Nhìn dáng vẻ khúm núm, ngại ngần của hai mẹ con, sư ông cất giọng nhẹ nhàng, từ bi hỏi về hoàn cảnh cụ thể ra sao. Đã lâu sư ông không còn chữa bệnh cho người nữa, nay lại có hai vị này tới hỏi, sư ông cũng vẫn tiếp để xem có thuộc diện xem xét cứu giúp hay không. Chứ nay già yếu rồi, cỗ máy thân thể này theo quy luật vô thường cũng phải đến lúc khô dầu chẳng chạy được trơn chu nữa.

Gia đình bà Cóc sinh sống tại đường Nguyễn Hữu Hào, phường 6, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Con dâu của bà là Nguyễn Thị Thanh Bình, cũng có chút duyên lành Phật Pháp nên đã quy y tại tịnh xá Linh Quang, đường Nguyễn Khoái, quận 4, lấy pháp danh Diệu Chung. Vốn dĩ hôm nay hai mẹ con tìm tới đây là vì cả năm trời nay cô Bình bị chứng mất ngủ, tới đêm hay ngồi nói chuyện một mình rất kỳ quái.

Người nhà tưởng cô bị bệnh thần kinh hoang tưởng nên đưa tới bệnh viện Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám, các bác sỹ ở đây kết luận cô bị trầm cảm và điều trị kê thuốc cho cô đã được một thời gian.

Tuy vẫn theo điều trị của bác sỹ, nhưng bản thân cô Bình khăng khăng cho rằng mình không bị trầm cảm, và vì cô hay có cảm giác tự nhiên rùng mình, nên ngờ ngợ đoán ra mình đã bị vong mượn xác. Chẳng thể để tình trạng này diễn ra lâu hơn, hai mẹ con ngay lập tức tất tưởi chạy xuống Bình Dương tìm đến tịnh xá Liên Hoa ngay khi vừa xuất viện trở về.

Dường như hiểu ra vấn đề, để không mất nhiều thời gian, sư ông không hỏi thêm gì nữa, lập tức nói chuyện với vong với chất giọng ấm áp, từ bi quen thuộc: “Nếu vong hồn nào chết khổ muốn cứu vớt thì cứ mượn khẩu về đi, tôi cứu cho, chứ người trần xin tôi không cứu.”

Khi sư ông vừa dứt lời, trong giây lát, lập tức sắc mặt cô Bình thay đổi, khuôn mặt bỗng trở nên nhăn nhó, miệng bỗng nhiên méo xệch sang một bên, ú ớ vài từ không thành tiếng. Quả nhiên có một vong linh đã gá vào xác cô Bình lên nói chuyện với sư ông.

Tưởng là oan gia trái chủ nào gây khó khăn oán hận gì cô Bình, thì ra chả phải ai xa lạ, vong linh khai mình tên là Huỳnh Thị Phụng, chết ngày mùng 2 tháng 10 năm Kỷ Mão, chính là mẹ đẻ của cô Bình đây. Vong linh nhập vào xác cô nhiều lần suốt thời gian qua chỉ mong được cứu giúp vì quá khổ sở.

Bà Phụng có nhiều con, nhưng chỉ có cô Bình là người con hiếu thảo nhất, nên bà chỉ hy vọng dựa vào cô con gái này có thể giúp mình. Sau khi nghe vong linh bà Phụng thưa bạch như vậy, sư ông đưa mắt nhìn sang bà Cóc ( tức bà thông gia của bà Phụng) để chứng thực xem mẹ đẻ của cô Bình có đúng tên như vậy hay không. Bà Cóc dạ dạ gật gật cái đầu tỏ ý đồng tình.

Vong linh bà Phụng tiếp tục nói với vẻ đầy hối hận và đau đớn, hồi tưởng lại về quá khứ một thời của mình. Bà kể cách đây mấy chục năm về trước, bố mẹ chồng của bà ( tức ông bà nội của cô Bình) có xây cất một ngôi chùa tư trên phần đất đai của gia đình, lấy tên là chùa Quốc Ân Tự. Sau đó cha mẹ chồng bà lần lượt qua đời, cả người chồng cũng ra đi, để lại ngôi chùa cho bà cùng bảy đứa con thơ dại nheo nhóc. Bầu trời như sụp đổ trước mắt người phụ nữ chân yếu tay mềm này. Cuộc sống quá đỗi khó khăn đè lên đôi vai người mẹ, nhìn những đứa con nhỏ nhắn đang chờ từng bữa cơm, bà Phụng không thể yên lòng.

Không biết làm gì để sống và nuôi bảy đứa con, bỗng bà Phụng nảy ra ý tưởng đem ngôi chùa tư nhà chồng để lại này, thành chỗ cho thuê phòng để các đôi nam nữ vào làm chỗ hành nghề mại dâm. Mỗi một lần cho họ vào mướn chỗ là bà thu về 20-30 nghìn đồng, thời đó từng ấy là cũng nhiều chứ chẳng ít ỏi gì.

Mỗi ngày cũng tầm 5-10 người thuê, vậy là mỗi ngày bà cũng có đồng ra đồng vào cho các con có miếng ăn ấm bụng. Ai ngờ đâu, kể từ đây, cuộc đời bà và các con của bà bắt đầu trở nên vô cùng thảm thương. Đây vốn đã không phải công việc thiện lành gì, lại được thực hiện ngay trong khuôn viên của chùa Quốc Ân Tự, một nơi thờ Phật trang nghiêm, những điều này đã làm cho bà Phụng phải gánh chịu hậu quả nặng nề khủng khiếp do chính mình tạo ra.

Chùa Quốc Ân Tự do là chùa tư, không trực thuộc giáo hội Phật giáo, nên sau này đã bị giải tỏa để xây dựng các công trình khác. Nhà cũng không còn, người cũng đã rời đi, nhưng có phải như thế là chấm dứt tất cả hay không? Không!

Bà Phụng rời đi chẳng mang theo được thứ gì, chỉ trừ nghiệp lực thì luôn đeo bám bà như bóng với hình không thể hô biến là biến đi được. Có lẽ bà khi xưa cũng u mê, vô minh chẳng hiểu hết được mình đang tạo ác nghiệp như thế nào, chỉ nghĩ rằng đó là việc kiếm kế sinh nhai lo cho con cái, nhưng ai ngờ đâu những việc đó lại gây ra hậu quả nặng nề tai hại. Đôi mắt đầy sợ hãi, vong linh bà Phụng tiếp tục kể.

Đúng là nhân quả nhãn tiền, vì đã tiếp tay cho trai gái hành nghề mại dâm, nên về sau, bà Phụng mắc bệnh ung thư tử cung phải tiến hành xạ trị nhiều lần, chịu những cơn đau quằn quại hành hạ ngày đêm không dứt. Đã khó khăn, giờ lại thêm bệnh tật, thật là nhà đã nghèo nay còn mắc cái eo, khổ hết chỗ nói. Tưởng rằng chỉ có thế? Nhưng thật không đơn giản, vì tội của bà không hề nhẹ, để cho người ta làm chuyện bậy bạ ngay trong khuôn viên nhà chùa là tội tày đình, tội này nặng vô cùng, làm ô uế cửa chùa, nơi đáng nhẽ cần sự thanh tịnh, tôn nghiêm.

Cứ định kì bà Phụng lại lên bệnh viện Ung Bướu, hôm đó cũng tới ngày xạ trị tiếp theo, và cũng chính hôm đó, bà đột ngột bị tai biến đứt mạch máu não, miệng thì méo xệch sang một bên, mắt vẫn còn mở trừng trừng, bà ra đi ngay lúc đó, hưởng thọ 55 tuổi, chẳng kịp trăn trối điều gì.

Mọi chuyện tưởng chừng chấm dứt khi một con người đã ra đi khỏi cõi trần thế này, nhưng không, bà xuống âm phủ còn phải gánh tiếp quả báo của mình. Bà kể, khi bà mới xuống đó, thấy bao trùm không gian là một màu đen kịt, thấp thoáng phập phùng những ánh sáng đỏ đỏ lập lòe lúc ẩn lúc hiện, làm cho bất kì ai cũng phải rùng mình khiếp sợ dựng tóc gáy. Rồi bà được dẫn ra trước điện, Diêm Vương vạch rõ tội trạng của bà không mảy may sai lệch, thiếu sót, để cho bà Phụng biết rõ những tội lỗi của mình, rồi phán đem bà vào địa ngục, chịu hình phạt bị giam nhốt đánh đập, không được ăn uống.

Khổ sở vô cùng, bà Phụng rên xiết nấc lên từng tiếng xin sư ông cứu giúp cho, bà hối hận lắm rồi. Khi bà Phụng chết, tuy người nhà có thỉnh thầy về tụng kinh, cúng trai tăng, đầy đủ hết cả, nhưng từng ấy cũng chưa đủ để bù đắp cho những ác nghiệp của bà. Những việc đó đúng là việc rất tốt mà con cháu có thể làm để giúp vong hồn được bồi đắp thêm phước báo, sớm siêu thoát, nhưng cái chính vẫn ở tội phước của người mất. Chứ nếu đơn giản thì đã chẳng ai phải xuống địa ngục mà lên trời hết cả.

Thương tình vong linh bà Phụng thành khẩn nhận lỗi, lại biết sám hối ăn năn, nên sư ông khuyên bà Phụng trước hết lạy 108 lạy sám hối ngay lập tức,  nhưng sau đó mỗi ngày bà phải lạy 1000 lạy nữa để sám hối tội lỗi của mình. Vong linh bà Phụng không mảy may đắn đo, liền thực hiện ngay, bởi đó là chiếc phao cứu sinh duy nhất bà có thể nắm lấy lúc này, không thì chỉ có xuống địa ngục tiếp tục bị tra tấn cho tan xương nát thịt chưa biết bao giờ mới có ngày ra.

Sư ông nhấn mạnh rằng chỉ những vong linh thực sự biết sám hối ăn năn thì sư mới dùng phước đức tu hành của mình chú nguyện cho thoát khổ được, để cho họ có cơ hội quay đầu tu thiện, nương nơi Tam Bảo quyết chí tu hành. Ngay cả với người trần gian cũng vậy, hãy thường xuyên sám hối những tội lỗi của mình, sám hối với các oan gia trái chủ của mình, bởi vì chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử từ vô thủy kiếp đến nay, tội gì mà đã chả từng tạo, oan gia trái chủ nhiều không đếm hết, vì vậy việc sám hối là rất cần thiết phải làm.

Vong linh bà Phụng lúc này hướng lên Tam Bảo, chắp tay thành khẩn, nguyện theo sư ông hướng dẫn: “Con có tội lỗi, giờ con xin hứa từ nay về sau phát tâm tu hành theo Phật, không dám làm quấy nữa, xin cầu ơn trên chứng minh, con tu hành được bao nhiêu cũng sẽ hồi hướng cho các chúng sinh đều được giác ngộ theo Phật tu hành được siêu thoát. Nam Mô Năng Cứu Thoát Bồ Tát Ma Ha Tát.”

Sư ông sau đó cũng dốc sức chú nguyện thêm cho các vong linh mau được thoát khổ địa ngục. Tất nhiên chẳng phải ai cũng có năng lực để giúp bà Phụng được hiệu quả nhanh như vậy, đó là nhờ vào công đức tu hành cao thâm từ nhiều kiếp trước tới nay của sư ông. Còn với người  thường, muốn cứu thân nhân thoát khỏi địa ngục, thì cần kiên trì tụng kinh trì chú, làm nhiều việc phước thiện lớn lao hồi hướng cho thân nhân mới thoát được. Hơn nữa tuy bà Phụng làm việc sai quấy, nhưng cũng do phúc phần nào đó bà đã từng tạo trong các kiếp sống trước, mà nay mới có được nhân duyên tốt lành với thiền sư An Lạc Hạnh.

Bà Phụng khi còn sống làm việc thất đức, chắc cũng chẳng ngờ rằng vì mình mà cuộc đời ba cô con gái cũng trở nên tan nát và chua chát. Vì từ nhỏ đã sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy, nên cả ba cô con gái đều học làm gái mại dâm để kiếm tiền. Sau còn hút chích xì ke, ma túy nhiễm HIV mà chết thảm hại. Nhà chỉ có cô Bình là vượt được hoàn cảnh, không dính vào con đường tội lỗi, thì giờ đang ngồi đây để giúp mẹ và các chị em thoát khổ.

Cứu thoát được cho mẹ đẻ khỏi cảnh khổ nơi âm ty, cô Bình không kìm được lòng, van xin sư ông rủ lòng thương xót cứu cho ba chị em gái của mình cũng đang khổ lắm. Sở dĩ cô Bình biết điều này vì trong đám giỗ của chị gái mình tên Nguyễn Ngọc Minh, gia đình có cúng trai tăng cho chị, thì vong hồn cô Minh nhập lên xin được cứu giúp cho bản thân và cả hai cô em gái là Hồng và Loan.

Một lần nữa, cô Bình lại chắp tay chờ vong linh chị gái mình lên nương gá mượn xác. Một lát sau, cô Bình lại rùng mình, bất thình lình cười cười như ngây như dại, rồi lại chợt bật khóc, khuôn mặt nhăn nhó. Ai cũng biết cô Minh đã lên rồi, mượn khẩu em gái, cô Minh bộc bạch về cuộc đời của mình.

Bố mất để lại bảy anh chị em nheo nhóc, chẳng biết bám víu vào đâu, thương các em khó khăn, khổ sở quá, lại thấy ngày ngày người ta làm gái cũng có đồng ra đồng vào. Vậy là đến năm 16 tuổi, Minh theo người ta hành nghề mại dâm lấy tiền phụ giúp gia đình. Chẳng những thế, Minh còn làm người thứ ba, cướp chồng, phá hoại hạnh phúc của người ta, khiến cho gia đình họ nhà tan cửa nát.

Chính vì tội này mà nay vong hồn của Minh phải đọa địa ngục chịu cực hình ôm cột đồng nóng chảy. Cột đồng lớn tới mức cô chẳng thể ôm hết nổi, sức nóng đau rát đến kinh hồn khiếp đảm, vừa ôm còn vừa bị quất từ đằng sau tới tấp vô cùng đau đớn, chẳng thể dùng ngôn từ mà tả cho hết được.

Tất cả mọi phước nghiệp của chúng sinh đều được ghi lại và được luật nhân quả căn ke từng ly từng tí, chẳng mảy may sai sót dù chỉ bẳng sợi lông. Cô Minh vì muốn giúp đỡ gia đình đang hoàn cảnh khó khăn mà hy sinh chấp nhận để cho thân thể của mình trở nên ô uế. Xuất phát từ tấm lòng đó nên tội cũng đã được giảm nhẹ hơn, nếu không thì sau khi hết hình phạt ôm cột đồng nóng đỏ, còn phải đến các địa ngục khác chịu những hình phạt tra tấn khủng khiếp khác.

Luật nhân quả rất linh hoạt, tạo nghiệp thì phải chịu quả báo, nhưng vì mục đích làm để giúp gia đình người thân, nên nghiệp giảm nhẹ, được thỉnh thoảng cho lên dương gian báo người thân tìm cách cứu, và đến hôm nay, lại được người thân tìm cách cứu thoát cho, chứ không phải ai cũng được cứu. Tiếp đến, vong hồn hai cô con gái khác của bà Phụng là Hồng và Loan cũng được cứu thoát tương tự.

Quá nhiều hậu quả, và cái nào cũng hết sức bi thảm. Nếu như bà Phụng biết được cái kết cục như thế này, có lẽ cách đây 20 năm về trước, bà sẽ chẳng dám cho người ta mướn phòng như thế. Thật xót xa biết mấy cho gia đình bà và những đứa con.

Sư ông thở dài, cất lên những lời thấm thía răn dạy người đời: “Bà con thấy chưa, cuộc sống dù có khó khăn vất vả mấy thì cũng chịu khó cố gắng chọn cái nghề lương thiện, đừng vì khổ quá mà chọn lấy cái nghề bất thiện này, rồi cuối cùng có khổ không cơ chứ”.

Sau khi được sư ông chỉ hướng dẫn cho sám hối, phát nguyện chừa bỏ không dám phạm những tội lỗi, và dốc sức chú nguyện cứu giúp, cả vong hồn bà Phụng và ba người con gái đều được thoát địa ngục, lên trần gian ngụ tại tịnh xá Liên Hoa, nguyện từ nay tu thiện, nương tựa Tam Bảo tu hành. Sư ông cũng không quên dặn họ từ nay không theo cô Bình nữa, để cô còn khỏe mạnh mà lo làm ăn.

Thiền sư An Lạc Hạnh như người cha già nhắn nhủ những đứa con ngu si, ngây dại của mình, sự từ bi của ông làm ai nấy đều cảm động. Cô Bình tỉnh lại, lúc này bỗng nhiên thấy lòng khoan khoái, thanh thản, nhẹ nhàng, như vừa làm tròn được bổn phận của đứa con báo hiếu cho mẹ và giúp các chị em của mình thoát ra khỏi màn đêm tăm tối.

Báo hiếu đâu phải chỉ là lo cho cha mẹ chốn ở, cơm ăn, áo mặc, là hàng ngày đem đến cho cha mẹ những niềm vui thế gian thường tình. Đó chỉ là những thứ vô thường, không bền chắc. Người con có hiếu nhất chính là có thể giúp cha mẹ mình kết duyên lành với Phật Pháp, giúp cha mẹ tìm thấy con đường ánh sáng dẫn lối thoát ra khỏi màn vô minh tăm tối của luân hồi sinh tử, đó mới là chân thật báo hiếu.

Hiện nay thiền sư An Lạc Hạnh không còn nhận chữa những bệnh tâm linh, bởi thiền sư tuổi đã cao, sức đã yếu một phần, phần nhiều còn vì sư ông không muốn can thiệp vào nghiệp quả của con người thời kì này nữa.

Nam Mô A Di Đà Phật!
(Tĩnh Như – thuật lại từ sự việc có thật tại tịnh xá Liên Hoa, Bình Dương)
(Những mẩu chuyện về thiền sư An Lạc Hạnh - Tĩnh Như)